Trò đùa cơ thể và “vết sẹo giang hồ” | Maphim.net
Thời còn gọi gió hô mưa trong thế giới đao búa, hầu như tay giang hồ nào cũng muốn “đóng dấu” lên thân thể mình những hình xăm bắt mắt.

Với họ, những hình xăm ấy không đơn thuần chỉ là “thích thì xăm, xăm cho đẹp” mà còn là “chứng chỉ” thể hiện vai vế, đẳng cấp của mình trong thế giới mà kẻ mạnh làm vua, kẻ thua làm…lính ấy.
Thế nhưng, khi tất cả những bồng bột, sốc nổi của thời anh chị đã qua đi, thì những “dấu tích giang hồ” trên cơ thể vẫn chẳng hề phai nhạt. Về với xã hội, họ đã khổ sở với những hình xăm chi chít trên cơ thể ấy. Thậm chí, với những người tôi đã gặp tại Trại giam Tân Lập (Phú Thọ) thì những hình xăm chẳng khác nào dấu ấn của quỷ dữ, đẩy họ lún sâu vào thế giới tội tình…
Đẳng cấp… “bề trên”
Đặng Anh Tuấn với đôi rồng
Đặng Anh Tuấn có khuân mặt lì lợm đặc trưng của một “tay anh chị” có “số má” trên “chiếu giang hồ”. Mắt trắng, môi thâm và cái nhìn sắc lạnh, hoang dại. Tuấn khiến những người đối diện dè chừng. Tuấn sinh năm 1973, ở phường Trần Văn Hãn (Bắc Giang).

Là con út nên Tuấn được cưng chiều. Thế nên hư, thế nên bất trị. Theo “vết xe đổ” của mấy tay anh chị đã từng một thời đình đám ở thị xã miền núi ấy, Tuấn nhanh chóng “cập bến” … nhà tù. Năm 1995, tội trộm cắp tài sản XHCN, Tuấn bị án 18 tháng tù giam.

Trại Kế (Bắc Giang) nơi Tuấn thụ án khi ấy là một điểm nóng của vấn nạn “đại bàng”, cá lớn nuốt cá bé. Cũng bởi vấn nạn này mà nhiều phạm nhân khi vào thì lành lặn, khi ra thì khoác lên người vô vàn thương tích.
Ngoài đời, giao du nhiều nên Tuấn đã may mắn khi gặp lại rất nhiều “chiến hữu” cùng hội cùng thuyền thuở trước đang thụ án ở đây. Vậy là “băng đảng thị xã” được “thành lập” và lấn át các phạm nhân khác.

Thuở ấy, dù “dòng máu đại bàng” luôn hừng hực trong người nhưng để “thị uy”, “dằn mặt” đám đàn em, hay những kẻ ti toe chân ướt chân ráo bước vào chốn tù đày nên cũng như các đại ca trong trại khác, Tuấn xăm rất nhiều những hình gớm ghiếc lên cơ thể mình. Tuấn bảo, ở trại giam, làm gì cũng có “luật”.

Xăm mình cũng vậy cũng có những “quy tắc” riêng. Tất nhiên, “qui tắc” ấy là do những người cầm trịch trong buồng giam đặt ra. Bởi thế, khi đó, ở chốn chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh ấy, không phải bất cứ tù nhân nào cũng được quyền tô vẽ lên cơ thể mình những hình xăm theo ý muốn.

Thường thì “những kẻ bề tôi” không được phép xăm mình, thế nhưng, nhiều trường hợp, kẻ không được phép ấy lại bắt buộc phải xăm, để thể hiện rõ “đẳng cấp tôi tớ” của mình.

Đó là những hình chẳng lấy gì làm đẹp đẽ. Hình chó, hình lợn, hình kẻ hành khất gầy đói trơ xương…Và, nhìn vào những hình xăm ấy, chẳng cần giới thiệu, mọi người sẽ biết ngay kẻ đang ba hoa, khoác lác trước mặt mình đang phải khoác lên người “kiếp sống tiện dân”, “thân lừa ưa nặng”.
Những kẻ bề trên thì hoàn toàn trái ngược. Họ có thể xăm đủ loại hình thù mình thích. Và, như một quy ước định sẵn, đó là những hình thể hiện quyền uy, sang trọng. Hình đầu tiên Tuấn chọn là đôi rồng dữ dằn đang dơ nanh vuốt ào từ trên vai xuống ngực. Đôi rồng ấy, Tuấn kể, Tuấn đã phải nằm cho đám đàn em “thi công” hơn cả tháng trời mới hoàn tất.

Quy trình để hoàn thành một hình xăm cũng khá phức tạp. Đầu tiên, “họa sĩ”, kẻ có hoa tay trong trại vẽ phác thảo hình xăm trên giấy hay bất cứ chất liệu gì có thể. Nếu hình đó được “duyệt” thì “họa sĩ” vẽ lại hình đó lên người. Khâu chế mực cũng hết sức cầu kỳ. Những chiếc dép cao su được đánh rửa sạch sẽ, sau đó đem đốt lấy muội tro, Kế đến đem muội tro ấy hào với kem đánh răng, tạo thành thứ mực đen nhuyễn, đặc quánh.

Khi xăm, thứ hỗn hợp đó được tẩm trên đầu cây kim có cuốn chỉ mịn và mỗi nốt kim đâm ấy, mực sẽ ăn sâu vào da thịt, không có cách nào tẩy xóa. Xăm xong đôi rồng, ngay bên sườn phải, Tuấn xăm hình thiếu nữ có ánh mắt vời vợi buồn.

Tuấn bảo, xăm hình ấy, chính là chân dung vợ Tuấn, cô gái xinh đẹp mà Tuấn mới cưới khi chưa đi tù. Dưới bức chân dung, Tuấn ghi dòng chữ thướt tha “Mỹ Hạnh nhớ”, ghi nhớ những thời khắc thao thiết nhớ vợ trong trốn lao tù.
Không bỏ phí “mảnh đất” nào trên cơ thể mình nên ngay khi hai bên sườn, ngực, bụng đã kín mít, Tuấn tiếp tục “khai hoang” sang phần lưng của mình. Lần này, trên “thửa ruộng” rộng rãi ấy, Tuấn chọn hình “Tam anh chiến Lã Bố”, một tích trong chuyện Tam quốc xứ Tàu…

Truyện ấy, Tuấn chưa đọc nhưng thấy các “đại ca” đi trước vẫn xăm, thấy đẹp, nên bắt chước. Thế nhưng hình xăm ấy đến tận bây giờ, Tuấn vẫn chưa “thi công” xong. Mọi chuyện cũng đã tạm dừng cũng chính bởi “dòng máu đại bàng” của Tuấn và đám bạn.

“Tam anh chiến Lã Bố”, một công trình dang dở…
Đêm ấy, đang ngủ, Tuấn và đám chiến hữu bỗng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng động lạ. Nhẹ nhàng dậy, ngó nghiêng, cả bọn phát hiện buồng giam mình có… kẻ đột nhập. “Kẻ gian” ấy đang lần mò ở nơi… “cất giữ lương thực”, đó là niêu thịt mà phạm nhân trong buồng giam vừa được gia đình tắc tế. Vậy là nhất cử nhất động của “vị khách không mời” đó được Tuấn và đồng bọn soi rất kỹ.

“Kẻ gian” nhẹ nhàng mở niêu thịt và nhồm nhoàm ăn một cách ngon lành. Đến lúc này, không thể để “tên trộm” lộng hành thêm nữa, Tuấn và ba chiến hữu của mình đã ra tay. Sau một hồi “xuống tay tàn bạo”, cả bọn nhận ra, kẻ gian không phải ai xa lạ mà chính là “cu em” ở cùng buồng.

Chắc bấy lâu nay, thèm thịt, nên hắn đã làm liều. Cùng buồng giam thì phải dạy dỗ nghiêm khắc. Nghĩ thế, Tuấn và đồng bọn càng mạnh tay hơn. Sau trận “tra tấn dã man”, bởi dính nhiều đòn hiểm, kẻ mờ mắt vì ăn ấy đã lăn ra chết.

Vậy là, tội lỗi chất chồng, Tuấn và đám bạn phải trả giá cho tội ác của mình. Tuấn lĩnh án chung thân và được đưa về giam giữ tại trại giam Tân Lập. Mấy chiến hữu còn lại thì 2 kẻ “dựa cột” người còn lại án 13 năm, giờ giam dữ ở đâu thì Tuấn không rõ.

Bởi “được” đi “trại trung ương” nơi có kỷ luật nghiêm ngặt nên Tuấn chẳng có cơ hội hoàn thành nốt hình xăm trên lưng mình. Do vậy, bây giờ, hình xăm ấy vẫn chỉ có Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi đang hùng hổ vung đao, mua bát xà mâu chứ chưa thấy Lã Bố… “xuất hiện”.
Hiện thân của… lọ lục bình

Con rồng được Minh xăm ở lưng như một kiệt tác
Trong giới giang hồ Hà Nội thì Nguyễn Đức Minh được ví như chàng Yến Thanh trong tiểu thuyết lừng danh Thủy Hử của Trung Quốc. Sự so sánh ấy không phải bởi Minh có tính cách lãng tử mà vì trên cơ thể Minh, hình xăm phủ kín từ cổ đến gót chân giống như chàng Thiên Xảo Tinh bước ra trong tiểu thuyết…
Minh sinh năm 1966, nhà Minh ở Phương Liệt (Hà Nội). Bởi sở thích lêu lổng nên Minh sớm trở thành “người của xã hội” và sớm được bước vào vòng lao lý. Những hình xăm chi chít trên cơ thể. Minh bảo, Minh xăm khi ở “nhà nghỉ” Hỏa Lò (Trại tạm giam Công an Hà Nội).

Lần đầu tiên làm khách ở “nhà nghỉ” ấy (năm 1987, án 5 tháng vì tội gây rồi TTCC) với Minh vô cùng bỡ ngỡ. Các cụ đã nói: “Nhất nhập tù, thiên thu tại ngoại” chẳng sai chút nào. Minh bảo, khi ấy, bởi đã được “tạo lập” được chút “danh tiếng” ngoài đời nên so với nhiều tù nhân khác. Minh được các chiến hữu hết mực cưng chiều, nhưng nỗi thèm khát tự do, vẫy vùng thì cứ dầm dập đến.

Thêm nữa, khi ấy, mới lấy vợ được mấy tháng nên thời gian đầu ở tù là những ngày trái tim Minh thao thiết nhớ người vợ đang mòn mỏi ngóng chồng. Bởi nỗi nhớ vô bờ, cùng với sự khát khao bay nhảy ấy nên không giống nhiều “giang hồ hảo hán” khác, Minh muốn “khắc” lên cơ thể mình những hình xăm để ghi dấu ấn “giai đoạn sau đời” này.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, Minh thấy ý tưởng “chim có cặp, cá có đôi” quá phù hợp với tâm trạng mình, Minh quyết định bảo đàn em xăm lên mình hai hình đó. Vậy là sau mấy ngày hì hụi, “kiệt tác” đó đã hoàn thành như Minh mong muốn.

Trên “nền đất trống” ở bụng gã trai thích cuộc sống giang hồ ấy, đã xuất hiện đôi cá vàng đang quấn quít bên nhau, tung tăng bơi lội. Và ngạy cạnh đó là khóm trúc xum xuê với đôi có trắng đang mai miết kiếm ăn trong cảnh thanh bình. Khát vọng tự do ấy còn được Minh điểm nhấn bằng hình ảnh hạc hóa tiên, thảnh thơi xuống tắm ở hồ nước phẳng lặng. Bức tranh đầy chất liêu trai, địa đàng đó được Minh tỉ mẩn xăm ở ngay trên tay trái của mình.
Lần thứ 2 vào Hỏa Lò, Minh xăm lên đùi trái của mình hình con tép, trong bộ lơ khơ. Dân bài bạc bảo, con tép tượng trưng cho kẻ nhiều tiền. Khi đó, “nếm mùi xã hội” nên Minh thấy, ở đời, nhất là những kẻ “sống trong giang hồ” như Minh, tiền là vô cùng quan trọng.

Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử, hết tiền, hết rượu, hết ông tôi. Minh thấm điều đó bởi thế rất mong là mình mình sẽ có nhiều tiền. Và ở tù, chẳng có gì tốt hơn là thể hiện cái khát vọng lớn lao đó bằng một hình xăm. Con tép được Minh cho đàn em “tưới” mực đen nhánh, nhìn xa như một vết chàm.
Khi “giấc mơ tiền bạc” hoàn tất bên đùi trái, để đăng đối, bên đùi phải Minh xăm hình võ tòng đả hổ. Hình ấy, theo Minh đó là ước vọng về sức mạnh. Có tiền thì cũng cần phải có sức mà… tiêu. Minh vẫn căm giận cái “quy luật oái oăm” của đời. Khi người ta trẻ, có sức khỏe để ăn, để chơi, để đắm mình vào bao lạc thú thì lại không có tiền. Đến khi “công thành danh toại”, tiền bạc rủng rỉnh thì chẳng còn sức đâu để… phá nữa. Vậy nên, ở đời, ai cũng, mong muốn một sự “kết hợp hoàn hảo” ấy là vừa có tiền lại vừa khỏe mạnh.
Hình xăm mà có thời Minh rất tâm đắc đó là hình con rồng ở phía sau lưng. Hình ấy cũng được Minh xăm ở Hỏa Lò trong lần vào trại tiếp theo. Con rồng nhe nanh vuốt cuộn tròn từ bả vai xuống đến tận hông.

Con rồng là chúa tể muôn thú nên với Minh ngoài việc thể hiện sức mạnh, uy quyền của người trai… đầu đội trời chân đạp đất ra còn có một ý nữa mà Minh chưa tiết lộ với ai. Hình xăm ấy là để Minh thể hiện tình cảm với người vợ tuổi Thìn (1964) của mình.

Quyết định lấy Minh có lẽ là điều bất hạnh nhất mà người vợ đáng thương ấy vướng phải. Suốt ngày vào tù ra tội, Minh đã bỏ mặc người vợ hiền với nỗi nhớ mong đằng đẵng. Bởi thể ngay phía dưới con rồng, Minh đã xăm dòng chữ “mãi mãi bên nhau” bằng kỹ thuật thư pháp cầu kỳ như để tưởng nhớ người vợ tội nghiệp ấy.

Vẫn “chảy” theo…dòng cảm xúc nhớ thương người vợ hiền, Minh tiếp tục xăm lên cơ thể mình hình ảnh Ngưu Lang – Chức Nữ. Chức Nữ bên tay trái, Ngưu Lang bên tay phải. Chức Nữ cầm khen lụa, Ngưu Lang cầm trâm. Trâm và khăn là kỷ vật tình yêu, khi chia xa đôi lứa yêu nhau thường trao tặng.

Vợ chồng Minh tuy chưa bao giờ tặng nhau bất cứ kỷ vật tình yêu nào nhưng cuộc sống cũng chẳng khá nào Ngưu Lang – Chức Nữ. Thậm chí, còn hơn thế nữa bởi Ngưu Lang – Chức Nữ mỗi năm đều đặn gặp nhau có một lần nhưng vợ chồng Mình có khi vài năm không thấy mặt.
Minh chẳng để trống bất cứ “khoảng đất” nào trên cơ thể mình. Và, mỗi khi đăm đắm nghĩ, nhớ, hay đau khổ bởi bất cứ điều gì thì ngay lập tức Minh cụ thể suy nghĩ ấy bằng hình xăm. Đùi trái đã dành phần trang trọng nhất cho hình “Con tép” nhưng như thế là vẫn chưa đủ.

Đêm 30 Tết, trong một lần “nằm” Hỏa Lò bởi nỗi nhớ cái Tết đầm ấm ở nhà, Minh đã dựng đàn em dậy, bắt xăm hình Thúy Kiều đang buồn rười rượi ngồi gẩy đàn trước sân, trước mặt là cành đào khẳng khiu chi chít những nụ hoa vừa nhú.

Về hình xăm này, Minh “chú thích”, đời Minh có nét giống Thúy Kiều. Đó là những ngày tháng sống trong nỗi nhớ nhà da diết. Xuân tha hương, Thúy Kiều buồn nên tấu lên một khúc nhạc não nùng tha thiết. Nỗi lòng ấy cũng giống như Minh, đêm 30 Tết nằm trong buồng giam khắc khoải nhớ tổ ấm của mình.
Khi trên cơ thể đã kín mít những hình xăm nhưng cảm xúc của Minh thì vẫn chưa bao giờ cạn. Thêm nữa, Minh bảo, ở tù, thời gian rảnh rỗi nhiều, ngoài cái thú tiêu khiển đó thì cũng chẳng biết làm gì. Bởi vậy mà ngay ở phần “xấu xa đậy vào” trên cơ thể mình Minh cũng triệt để tận dụng.

Phần bụng dưới, Minh còn xăm cảnh đại dương với người cá, với rong biển, san hô, đặc biệt là con cá mập đang đạp sóng vẫy vùng. Với bức tranh này, chẳng cần Minh giải thích, người “bị” xem cũng đều hiểu, Minh muốn ví mình như cá mập, chúa tể của đại dương. Mong được một ngày về biển, được thỏa sức vẫy vùng, đó là mong ước lúc nào Minh cũng ấp ủ.
Phía hông, Minh xăm đôi bạch tuộc. Mỗi con một bên. Minh bảo, bạch tuộc là loài lầm lì, chậm chạp nhưng cũng chứa đầy sức mạnh. Minh thấy tính mình cũng giống loài vật thoạt đầu trông có vẻ lành như đất ấy.
Dấu chân của quỷ dữ

Hình xăm trên người Hoàng Trọng Lượng
Hoàng Trọng Lượng năm nay mới 23 tuổi, nhưng đã 2 lần “nhập kho”, nếm mùi “cơm tù áo số”. Lượng quê ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Thế nhưng, mảnh đất ấy chẳng ấp ôm được Lượng bởi tính … “anh hùng xuất thiếu niên” của mình. Năm 16 tuổi, tại xứ than ấy, Lượng đã một “giang hồ nhí” khét tiếng với rất nhiều những “chiến tích” kinh hoàng. Đánh lộn trộm cắp, tiêu thụ của gian và cả cướp giật.

Với những tay anh chị đi trước, cho đến tận bây giờ, khi nhắc đến “thằng nhóc miệng còn hôi sữa” là Lượng thì vẫn thấy… toát mồ hôi lạnh. Họ bảo sự liều lĩnh, táo tợn thì Lượng luôn có thừa. Năm ấy, khi đã xoay đủ cách mà vẫn không có đủ tiền chi những cuộc trác táng đã thành thối quen, Lượng cùng đám lâu la quyết đinh đi cướp.

Học những “tiền bối” đi trước, Lượng đã nghĩ tới việc “ghé thăm” cướp tiền các chiếu bạc bởi đó là “mảnh đất” khá an toàn. Trong một cuộc “áp phe” liều lĩnh, Lượng đã bị bắt. Khi đó, dù đang ở tuổi vị thành nhiên, nhưng bởi tính chất nghiêm trọng của vụ án, Lượng vẫn phải đi trại.
Nơi Lượng đến là Trại giam Hang Son (Bộ Công an) ở Đồng Triều. Dù “được” “nằm” trại trung ương nhưng “dòng máu đại bàng” ở Lượng vẫn chưa bao giờ nguội lạnh. Cũng chính ở trại giam này, Lượng đã cho xăm kín mít trên thân thể mình những hình thù kỳ quái.

Cũng giống như những “đại ca” khác, Lượng thích con rồng đang giương nanh, chĩa vuốt ở hai cánh tay, đại bàng đang sải cánh trước ngực. Thế nhưng, ngần ấy, “tác phẩm” mà Lượng thấy khoái chí nhất là hình cô gái, tờ tiền và còng số 8 xăm ở bên đùi trái.

Lượng đặt tên cho hinh thù kì quặc ấy là “Đời trai sương gió”. Ngày đó, Lượng suy nghĩ đơn giản. Là thằng con trai thì phải có tiền, có gái đẹp và đương nhiên, có cả những ngày tháng sa chân vào vòng lao lý. Không có những “món” trên thì đời nhạt thếch, chẳng có ý nghĩa gì.
Ngày đó thích, nhưng giờ, đã nếm đủ “Sương gió” cuộc đời thì Lượng lại cảm thấy căm thù cái hình xăm đó. Như có ma lực, hình xăm ấy đã ám vào đời Lượng khiến Lượng chẳng thể nào ngóc dậy làm người.

Lượng kể, sau mấy năm thụ án ở Hang Son, khi về nhà, bố mẹ Lượng đã tá hỏa khi thấy trên thân thể con mình xuất hiện những hình thù quái đản đó. Nhìn những hình xăm ấy, dường như ngay khi đó, họ đã biết, họ đã mất Lượng rồi.

Về nhà, không muốn giao lưu với đám chiến hữu thuở trước nên Lượng thấy rất cô đơn. Người tốt tránh Lượng như tránh hủi. Ngẫm cũng đúng bởi nhìn những hình xăm trên cơ thể Lượng là mọi người… chán hẳn.

Chẳng gia đình nào muốn con mình giao du với “kẻ giang hồ”, từng vào tù ra tội ấy. Lượng kể, ngày ấy, dù trời nóng như đổ lửa nhưng vẫn bước chân ra khỏi nhà là Lượng phải đóng bộ kín mít từ đầu đến chân. “Ngụy trang” cẩn thận vậy nhưng mọi người vẫn ném về Lượng những ánh mắt e dè, cảnh giác. Buồn! Và rồi cái gì đến cũng phải đến, chỉ vài tháng sau, không chịu nổi cảnh nhàm tẻ, Lượng lại ngựa quen đường cũ, tìm đến những chiến hữu cùng hội cùng thuyền thuở trước.

Thành “người của giang hồ”, Lượng lại có tiền lại có những cuộc trác táng suốt sáng thâu đêm với những cô nàng xinh đẹp và lại vào tù. Lượng bảo, chiếc còng số 8 với Lượng luôn là đoạn kết cho “đời trai sương gió” của mình.
Đến bây giờ, Lượng mới thấy hành động xăm mình thuở trước là trò chơi dại dột. Nó đã khiến Lượng nhọc nhằn trong bước đường làm lại cuộc đời. Lượng muốn xóa chúng, nhưng chẳng biết xóa bằng cách nào. Những hình xăm đó đã ăn sâu vào da thịt, muốn xóa cũng vô cùng khó. Nghe “kinh nghiệm” của những người đã từng “dại dột như mình” thì cách mà họ vẫn làm là dùng bàn là, hoặc là những miếng sắt nung đỏ chà lên vết xăm, nhiệt độ sẽ đốt cháy cả phần da thịt màng hình quỷ dữ đó.

Và khi “vết thương” đó lạnh thì hình xăm sẽ biến mất, thay vào đó là những vết sẹo loang lổ, sần sùi. Nghĩ phải làm việc đó, Lượng thấy rùng mình sợ hãi. Một vài hình còn làm thế được, chứ Lượng xăm kín ngực, lưng, bụng, chân, tay mà dùng cách xóa đó thì chỉ có bước “đi theo” ông bà vải.
Cũng giống như Lượng, bởi những hình xăm phủ kín trên người, Minh đã bị xã hội cô lập. Mỗi khi ra tù, Minh không có nhiều “giải pháp” trong việc “chọn bạn chơi”. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, nên dù có trốn tránh mấy thì sau cùng, Minh vẫn phải giao du với đám bạn coi “tù là nhà lệnh ta là phép”.

Bởi thế, đến giờ, người dân khu phố nơi Minh ở đã chẳng ngạc nhiên gì nếu thấy một ngày Công an ấp đến bắt Minh đi. Họ chỉ ngạc nhiên khi thấy lần “về phép” nào Minh “tạm trú”ở nhà quá lâu. Minh “tổng kết” vòng quay cuộc đời mình chỉ bằng một chữ duy nhất: “Tù”.

Mỗi vòng quay đó, thì “tù” luôn là khởi đầu và cũng là điểm kết thúc. Minh kể, cứ mỗi lần ra tù, Minh đều muốn kiếm một việc làm lương thiện. Thế nhưng, với “dấu ấn quỷ dữ” trên người, chẳng nơi nào muốn nhận Minh vào làm việc. Nhàn cư vi bất thiện, Minh lại tụ tập với đám người xã hội. và gần mực thì đen, Minh lại phạm tội, lại tù.
Năm 2002, trong một lần được tự do, nhưng mong xa lánh đám chiến hữu ngoài Bắc, Minh vào miền Nam đề làm lại cuộc đời. Và để rũ sạch những tháng ngày đến tối thể hiện trên cơ thể mình, Minh đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ.

Theo chỉ dẫn của đám bạn thì đó là cơ sở xóa hình xăm bằng công nghệ laser với giá vô cùng hữu nghị. Minh kể, thấy Minh lò dò bước vào, chủ cơ sở đã đón khách bằng nụ cười rạng rỡ. Nhưng rồi nụ cười ấy đã nhanh chóng tắt ngấm khi thấy những hình xăm đen kịt của vị khách lạ lùng.

Họ bảo, tuy giá hữu nghị nhưng để xóa hình xăm rộng cỡ bàn tay thì khách cũng phải chị không dưới 10 triệu đồng. Thế nên, để làm “nhạt phai dấu tích giang hồ” trên khắp người Minh thì kinh phí sẽ lên tới cả trăm triệu đồng. Và nhìn Minh thì họ biết, Minh chẳng phải là người lắm tiền nhiều của. Nghe họ nói vậy, Minh đành choáng váng quay ra.
Hình xăm, với những tay anh chị giang hồ mà tôi đã gặp, thực sự chẳng khác nào dấn chân của quỷ dữ. Và theo nhiều người, thì nơi nào quỷ dữ đi qua, nơi ấy chẳng bao giờ phồn thịnh mà chỉ có duy nhất sự chết chóc, điêu tàn…
: Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011